BÀI TUYÊN TRUYỀN BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM -LÀO
(Cột mốc biên giới Việt Nam - Lào - CamPuChia)
Về công tác biên giới trên đất liền Việt Nam - Lào
(tài liệu tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên
và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh)
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có chung đường biên giới, đi qua 10 cặp tỉnh biên giới phía tây và tây bắc, do vậy, vấn đề biên giới lãnh thổ được lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước hết sức quan tâm, coi trọng.
Từ năm 1977 đến năm 2007, Việt Nam và Lào đã cơ bản giải quyết xong các vấn đề biên giới lãnh thổ và thực hiện quản lý hiệu quả đường biên giới giữa hai nước. Từ năm 2008, hai nước triển khai công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới và đến năm 2015 đã hoàn thành toàn bộ công tác này, góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
I. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, TỰ NHIÊN VÀ DÂN CƯ TRONG KHU VỰC BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO
Việt Nam và Lào là hai nước cùng nằm trên bán đảo Đông Dương. Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản trực tiếp xây dựng nền móng, được các thế hệ lãnh đạo hai nước kế tục, quý trọng, nâng niu và dày công vun đắp. Trải qua nhiều thử thách khắc nghiệt, đầy hy sinh, gian khổ vì độc lập, tự do, hạnh phúc của hai dân tộc và nhân dân hai nước, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam đã trở thành quy luật sống còn và sức mạnh to lớn đưa đến những thắng lợi vĩ đại của Việt Nam và Lào trong đấu tranh giành chính quyền, trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, như Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản từng khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy”. Một trong những nhân tố góp phần tạo nên mối quan hệ đặc biệt ấy là Việt Nam và Lào có chung đường biên giới, với tổng chiều dài 2.337,459 km, trải suốt 10 tỉnh của Việt Nam, là tuyến biên giới đất liền dài nhất trong số các đường biên giới giữa Việt Nam cũng như giữa Lào với các nước láng giềng.
Theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào ký ngày 18-7-1977, kết quả tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới và theo Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29-4-2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tình hình khu vực biên giới thuộc các tỉnh phái Việt Nam như sau:
Tỉnh Điện Biên (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Phongxalỳ và Luổng Phạbang (Lào). Có 3 huyện, 23 xằ biên giới; 156 cột mốc tại 144 vị trí mốc và 26 cọc dấu tại 15 vị trí.
Tỉnh Sơn La (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Luổng Phạbang và Hủa Phăn (Lào). Có 6 huyện, 17 xã biên giới; 126 cột mốc tại 125 vị trí mốc và 11 cọc dấu tại 11 vị trí.
Tỉnh Thanh Hóa (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Có 5 huyện, 16 xã biên giới; 92 cột mốc tại 88 vị trí mốc và 13 cọc dấu tại 9 vị trí.
Tỉnh Nghệ An (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bolikhămxay (Lào). Có 6 huyện, 27 xã biên giới; 116 cột mốc tại 105 vị trí mốc và 44 cọc dấu tại 26 vị trí.
Tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Bolikhămxay và Khăm Muộn (Lào). Có 3 huyện, 8 xã biên giới; 53 cột mốc tại 53 vị trí mốc và 8 cọc dấu tại 8 vị trí.
Tỉnh Quảng Bình (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Khăm Muộn (Lào). Có 5 huyện, 9 xã biên giới; 61 cột mốc tại 61 vị trí mốc và 1 cọc dấu tại 1 vị trí.
Tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Xavẳnnakhệt và Xalavăn (Lào). Có 2 huyện, 18 xã biên giới; 68 cột mốc tại 62 vị trí mốc và 35 cọc dấu tại 23 vị trí.
Tỉnh Thừa Thiên Huế (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Xalavăn và Xê Coong (Lào). Có 1 huyện, 12 xã biên giới; 37 cột mốc tại 37 vị trí mốc và 7 cọc dấu tại 5 vị trí.
Tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Xê Coong (Lào). Có 2 huyện, 14 xã biên giới; 60 cột mốc tại 60 vị trí mốc và 7 cọc dấu tại 7 vị trí.
Tỉnh Kon Tum (Việt Nam) tiếp giáp với tỉnh Xê Coong và Áttapư (Lào). Có 2 huyện, 7 xã biên giới; 65 cột mốc tại 57 vị trí mốc và 16 cọc dấu tại 8 vị trí.
Về địa hình, khu vực biên giới Việt Nam - Lào là một dải núi trùng điệp, hiểm trở và hết sức phức tạp. Trên thực địa, đường biên giới phần lớn đi theo sông núi và núi cao của dãy Trường Sơn với độ cao trung bình thay đổi từ 1.500-1.800 m, cao nhất là ngọn Phu Sai Lai Leng, với độ cao 2.711 m, thấp nhất khoảng 300m tại khu vực Lao Bảo (Quảng Trị), đa phần là rừng sâu. Một số nơi, đường biên giới không thể đi theo các sống núi liên tục mà phải đi thẳng, cắt qua mọi địa hình, có tổng số 21 đoạn, với 190 km đường biên giới kẻ thẳng, đoạn thẳng dài nhất là đoạn giữa Quảng Bình và Khăm Muộn dài gần 40 km.
Theo Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Lào ký năm 1977 và Hiệp ước bổ sung hoạch định biên giới ký năm 1986, ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào có trên 60 sông, suối, trong đó có 47 đoạn sông, suối biên giới (có đường biên giới - thủy giới) với tổng chiều dài 289,25 km, còn lại là những sông, suối cắt đường biên giới.
Theo Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia Việt Nam - Lào ký ngày 1-3-1990, hai bên thỏa thuận mở 8 cặp cửa khẩu chính. Đến năm 2015, trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào đã mở mới nhiều cửa khẩu, nâng tổng số lên 33 cửa khẩu (trong đó có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ).
* Cửa khẩu quốc tế:
TT |
Tên cửa khẩu Việt Nam (tên tỉnh) |
Tên cửa khẩu Lào (tên tỉnh) |
1 |
Tây Trang (Điện Biên) |
Pang Hốc (Phôngxalỳ) |
2 |
Na Mèo (Thanh Hóa) |
Nậm Sôi (Hủa Phăn) |
3 |
Nậm Cắn (Nghệ An) |
Nậm Cắn (Xiêng Khoảng) |
4 |
Cầu Treo (Hà Tĩnh) |
Nậm Phao (Bolikhămxay) |
5 |
Lao Bảo (Quảng Trị) |
Đenxavẳn (Xavẳnnakhệt) |
6 |
La Lay (Quảng Trị) |
La Lay (Xalavăn) |
7 |
Cha Lo (Quảng Bình) |
Na Phậu (Khăm Muộn) |
8 |
Bờ Y (Kon Tum) |
Phu Cưa (Áttapư) |
* Cửa khẩu chính:
TT |
Tên cửa khẩu Việt Nam (tên tỉnh) |
Tên cửa khẩu Lào (tên tỉnh) |
1 |
Huổi Puốc (Điện Biên) |
Na Son (Luổng Phạbang) |
2 |
Chiềng Khương (Sơn La) |
Bản Đán (Hủa Phăn) |
3 |
Lóng Sập (Sơn La) |
Pa Háng (Hủa Phăn) |
4 |
Tén Tần (Thanh Hóa) |
Xổm Vắng (Hủa Phăn) |
5 |
Hồng Vân (Thừa Thiên Huê) |
Cô Tài (Xalavăn) |
6 |
A Đớt (Thừa Thiên Huế) |
Tà Vàng (Xê Coong) |
7 |
Nam Giang (Quảng Nam) |
Đăk Ta Ooc (Xê Coong) |
Cửa khẩu phụ
TT |
Tên cửa khẩu Việt Nam (tên tỉnh) |
Tên cửa khẩu Lào (tên tỉnh) |
1 |
Si Pa Phin (Điện Biên) |
Huội La (Phôngxalỳ) |
2 |
Nà Cài (Sơn La) |
Sốp Đung (Hủa Phăn) |
3 |
Nậm Lạnh (Sơn La) |
Mường Pợ (Hủa Phăn) |
4 |
Khẹo (Thanh Hóa) |
Tha Lấu (Hủa Phăn) |
5 |
Thống Thụ (Nghệ An) |
Nậm Táy (Hủa Phăn) |
6 |
Cao vều (Nghệ An) |
Thoong Phị La (Bolikhămxay) |
7 |
Tam Hợp (Nghệ An) |
Thoong My Xay Nặm Xăng (Bolikhămxay) |
8 |
Thanh Thủy (Nghệ An) |
Nậm On (Bolikhămxay) |
9 |
Sơn Hồng (Hà Tĩnh) |
Nậm Xắc (Bolikhămxay) |
10 |
Kim Quang (Hà Tĩnh) |
Ma La Đốc (Khăm Muộn) |
11 |
Cà Roòng (Quảng Bình) |
Noỏng Mạ (Khăm Muộn) |
12 |
Tà Rùng (Quảng Trị) |
La Cồ (Xalavăn) |
13 |
Bản Cheng (Quảng Trị) |
Bản May (Xavẳnnakhệt) |
14 |
Thanh (Quảng Trị) |
Đen Vi Lay (Xavẳnnakhệt) |
15 |
Cóc (Quảng Trị) |
A Xóc (Xalavăn) |
16 |
Tây Giang (Quảng Nam) |
Kà Lừm (Xê Coong) |
17 |
Đắk Blo (Korì Tum) |
Đăk Bar (Xê Coong) |
18 |
Đắk Long (Kon Tum) |
Văng Tắt (Xê Coong) |
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO
Biên giới Việt Nam - Lào hình thành từ rất sớm, nhưng luôn có sự biến động. Rõ nét nhất là trong khoảng thời gian từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVIII, ở nhiều nơi dọc theo hai bên biên giới ngày nay, xưa kia có các dân tộc thiểu số sống phân tán, rải rác trên những triền núi cao với lối sống du canh, du cư, quan hệ giao tiếp rất hạn chế, họ không mấy quan tâm đâu là biên giới, đâu là lãnh thổ của bên này hay bên kia. Tầng lớp phong kiến cầm quyền ở các cấp địa phương hai bên biên giới thì tùy theo lợi ích của họ trong từng thời kỳ, lúc quy thuận triều đình phong kiến bên này, lúc trở lại với bên kia. Tuy vậy, do đặc điểm địa lý tự nhiên, một đường biên giới Việt Nam - Lào đã hình thành theo các triền núi cao ngăn cách giữa hai nước.
Ngày 1-9-1858, pháo hạm của liên quân Pháp - Tây Ban Nha bắn vào cửa biển Đà Nẵng (Việt Nam), mở đầu cuộc tiến công xâm lược Việt Nam. Năm 1863, thực dân Pháp áp đặt chế độ bảo hộ ở Cao Miên và đến năm 1868 xâm chiếm toàn bộ lãnh thổ quốc gia này. Ngày 3-10-1893, Pháp gây sức ép buộc Xiêm La ký Hiệp ước Pháp - Xiêm. Theo đó, Xiêm La rút hết quân đội và trả lại cho Pháp các vùng đất đai tả ngạn sông Mê Kông là Cao Miên và Ai Lao (Lào) bị Xiêm La chiếm đóng, đổi lại, Pháp công nhận phần đất đai rộng lớn ở về phía hữu ngạn sông Mê Kông thuộc Xiêm La (5 tỉnh đông bắc Thái Lan hiện nay).
Năm 1893, Pháp thành lập hai cụm Thượng Lào và Hạ Lào trên cơ sở những đất đai của Ai Lao cũ được Xiêm La trả lại, gồm khu vực phía bắc Viêng Chăn, Luổng Phạbang, Huổi Hu (cụm Thượng Lào) và khu vực phía nam gồm Ban Sac, Xalavăn, Áttapư (cụm Hạ Lào). Trong giai đoạn này, Pháp sáp nhập một phần đất thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk ngày nay) và vùng Strung Treng của Cao Miên vào cụm Hạ Lào. Cụm Thượng Lào và cụm Hạ Lào lúc đó là hai đơn vị hành chính độc lập. Chính quyền Pháp đặt mỗi cụm thành một đạo quan binh do một viên chỉ huy cấp cao trực thuộc Toàn quyền Đông Dương trực tiếp cai quản, về địa lý, hai cụm Thượng Lào và Hạ Lào ở xa nhau, phân cách bởi một vùng đất rộng lớn thuộc quyền cai quản của Trung Kỳ (khi đó bao gồm cả phần đất Sông Khôn và Căm Môn thuộc Hạ Lào ngày nay).
Đến năm 1895, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuyển phần đất Sông Khôn và Căm Môn vào cụm Hạ Lào và trả về Trung Kỳ phần đất Tây Nguyên của Việt Nam (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk ngày nay). Năm 1899, Tổng thống Cộng hòa Pháp ký sắc lệnh hợp nhất hai cụm Thượng Lào và Hạ Lào thành một đơn vị hành chính thống nhất, gọi là xứ Ai Lao thuộc Pháp. Từ đây, xứ Ai Lao trở thành một đơn vị hành chính độc lập của Đông Dương.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp xâm lược Đông Dương lần thứ 2 (1945-1954), hai nước Việt Nam - Lào không đề cập đến vấn đề biên giới và cũng không có sự kiện nào nảy sinh về tranh chấp biên giới giữa hai nước, hai bên đã ký các văn bản: “Hiệp định hợp tác liên minh chiến đấu chống thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và Lào” ngày 16-10-1945 và “Hiệp định tổ chức liên quân Việt Nam - Lào” ngày 30-10-1945. Nhân dân hai nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương tập trung cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Đường biên giới truyền thống Việt Nam - Lào được nhân dân hai nước tôn trọng, việc qua lại biên giới để chi viện cho nhau, để phối hợp chiến đấu không gặp một trở ngại nào. Tình hình lịch sử đó đã để lại nhiều phức tạp tất yếu cho việc giải quyết vấn đề biên giới sau này mặc dù có thuận lợi cơ bản là biên giới đó đã được hình thành từ lâu.
Đến năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, đường biên giới giữa Việt Nam và Lào mang sắc thái mới: Từ vĩ tuyến 17 trở ra là biên giới giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Vương quốc Lào (biên giới đối nghịch) và từ vĩ tuyến 17 trở vào là biên giới giữa chính quyền Việt Nam cộng hòa và Vương quốc Lào (biên giới hữu nghị giữa hai chính quyền đều là tay sai của đế quốc Mỹ).
Thời điểm này, đế quốc Mỹ và phản động Lào một mặt ra sức đưa quân đội xâm chiếm hai tỉnh tập kết của Pathết Lào là Phôngxalỳ và sầm Nưa, mặt khác tạo lập thổ phỉ, biệt kích dọc biên giới Lào - Việt Nam hòng phá hoại hậu phương của Pathết Lào để tiến đến tiêu diệt lực lượng chủ yếu của cách mạng Lào. Dưới sự tài trợ và chỉ huy của đế quốc Mỹ, bọn phản động ở vùng biên giới Việt Nam - Lào cấu kết chặt chẽ với nhau ra sức phá hoại ở vùng biên giới hai nước, gây tình hình căng thẳng hòng cắt đứt quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào. Vì vậy, biên giới hai bên chưa được củng cố để làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Lào và thiết thực củng cố miền Bắc Việt Nam.
Đến năm 1955, biên giới giữa Việt Nam và Vương quốc Lào nổi lên một số vấn đề “tranh chấp”. Phía Vương quốc Lào liên tục đưa quân xâm nhập và chiếm đóng một số địa điểm Việt Nam đang quản lý trên biên giới giữa hai nước. Chính phủ Vương quốc Lào nêu vấn đề Việt Nam xâm phạm biên giới Lào; đòi trả lại một số vùng mà họ cho là thuộc đất Lào. Trước thực tế đất nước đang trong hoàn cảnh bị chia cắt và phải tập trung sức lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có những nỗ lực nhằm xử lý ổn thỏa các sự kiện ở biên giới hai nước.
Năm 1973, sau khi Hiệp định Pari về Việt Nam được ký kết, cách mạng Lào cũng giành được thắng lợi với vùng giải phóng kéo dài từ Thượng, Trung đến Hạ Lào. Quan hệ biên giới giữa Việt Nam và Lào thời kỳ này dựa trên căn bản là mối quan hệ hợp tác hỗ trợ xuyên biên giới giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam hoàn thành. Ngày 2-12-1975, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ra đời. Đây là những dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc, đánh dấu bước phát triển mới của mối quan hệ và tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến đầy cam go thử thách đó, vấn đề biên giới giữa hai nước đã được hai bên quan tâm giải quyết trên tình đồng chí anh em, đạt được một số kết quả tích cực, là cơ sở, tiền đề quan trọng để hai nước tiếp tục giải quyết trong giai đoạn tiếp theo.
III. QUÁ TRÌNH HOẠCH ĐỊNH, PHÂN GIỚI, CẮM MỐC BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO
1. Đàm phán ký kết Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào và Hiệp ước bổ sung hoạch định biên giới
Ngày 30-4-1975, Việt Nam thống nhất đất nước, cách mạng Lào cũng giành được thắng lợi và thành lập Nhà nước Dân chủ nhân dân Lào ngày 2-12-1975. Trong cuộc họp ngày 10-2-1976 ở Hà Nội, lãnh đạo hai Đảng và Chính phủ hai nước đã khẳng định quyết tâm cùng nhau giải quyết dứt khoát, nhanh gọn vấn đề biên giới giữa hai nước, coi đây là một vấn đề ưu tiên phải làm và thống nhất nguyên tắc giải quyết là: “Lấy đường biên giới trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Pháp (bản đồ Bonne của sở Địa dư Đông Dương) in năm 1945 khi hai nước tuyên bố độc lập làm căn cứ chính. Nơi nào không có bản đồ của Pháp in năm 1945 thì dùng bản đồ của Pháp in trước hoặc sau một vài năm”.
Thỏa thuận ngày 10-2-1976 của Bộ Chính trị và Chính phủ hai nước là quyết định có ý nghĩa chính trị - pháp lý to lớn, phù hợp với lợi ích của hai nước và nguyên tắc pháp luật quốc tế tiến bộ được đại đa số các quốc gia thừa nhận.
Trên cơ sở thỏa thuận ngày 10-2-1976 tại Hà Nội, chuyên viên hai bên đã tiến hành 4 đợt đàm phán, tổng cộng 90 ngày trong khoảng thời gian hơn 9 tháng (đợt 1 bắt đầu ngày 1-3-1976, đợt 4 kết thúc ngày 11-12-1976). Qua 4 đợt đàm phán, hai bên đã đạt được thỏa thuận cơ bản về hoạch định toàn bộ 2.067 km[1] đường biên giới giữa hai nước (giữ nguyên đường biên giới theo bản đồ của Pháp là 1.734 km, điều chỉnh khác với đường biên giới trên bản đồ của Pháp là 333 km). Tóm tắt các đợt đàm phán cụ thể như sau:
+ Đợt đàm phán thứ nhất (từ ngày 1 đến 5-3-1976 ở Hà Nội): thống nhất giải quyết khu vực từ Thanh Hóa - Hủa Phăn trở vào và thỏa thuận sơ bộ cách giải quyết một số khu vực mà trong hội đàm hai bên chưa nêu ra (chủ yếu là giữa Hủa Phăn với Sơn ta và Thanh Hóa).
+ Đợt đàm phán thứ hai (từ ngày 12 đến 21-7-1976 ở Viêng Chăn): thống nhất hoạch định đường biên giới từ ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc đến hết địa phận tỉnh Quảng Bình, chưa giải quyết được khu vực Hướng Lập.
+ Đợt đàm phán thứ ba (từ ngày 18 đến 30-8-1976 ở Viêng Chăn): giải quyết được khu vực Hướng Lập và các đoận biên giới từ Quảng Tri đến Kon Tum, trừ đoạn biên giới ở khu vực Đắk Lay dài khoảng 40 km do trên bản đồ của Pháp không vẽ đường biên giới.
+ Đợt đàm phán thứ tư (từ ngày 11-10-1976 đến 11- 12-1976 ở Viêng Chăn): Hai bên đã giải quyết xong khu vực Đắk Lay, kết thúc đàm phán về hoạch định đường biên giới giữa hai nước.
Bắt đầu từ giữa tháng 1-1977, hai bên chuyển sang giai đoạn soạn thảo văn bản Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước trên nguyên tắc thỏa thuận giữa hai Bộ Chính trị tại cuộc họp ngày 10-2-1976. Hai bên thống nhất sẽ sử dụng 48 mảnh bản đồ Bonne tỷ lệ 1/100.000 đã được chuyên viên hai bên đối chiếu và ký xác nhận để miêu tả đường biên giới trong văn bản hiệp ước và thể hiện chính thức đường biên giới. Đến ngày 10-3-1977, hai bên cơ bản đã thỏa thuận xong văn bản dự thảo hiệp ước.
Ngày 18-7-1977, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã được đại diện hai nhà nước Việt Nam và Lào ký kết chính thức tại Thủ đô Viêng Chăn. Ngày 31-10-1977, tại Hà Nội, hai bên trao đổi thư phê chuẩn Hiệp ước và Hiệp ước bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 31-10-1977.
Tóm tắt 3 nội dung chính của Hiệp ước
Điều I: Hai bên thỏa thuận lấy đường biên giới vẽ trên bản đồ Pháp tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương xuất bản năm 1945 hoặc năm gần đó nhất làm căn cứ chính để hoạch định đường biên giới giữa hai nước; ở nơi nào cần phải điều chỉnh và những nơi đường biên giới chưa được vẽ trên bản đồ, hai bên hoạch định đường biên giới trên cơ sở hoàn toàn nhất trí và tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Điều II: đường biên giới Việt Nam - Lào theo hướng chung từ bắc đến nam, gồm 7 đoạn được thể hiện bằng ký hiệu chữ thập màu đỏ (+) vẽ trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 gồm 48 mảnh, điểm khởi đầu là ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, kết thúc tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
Điều III: Đối với các cầu bắc trên các sông, suối, biên giới đi chính giữa cầu; căn cứ theo đường biên giới xác định trên bản đồ, những cù lao và bãi bồi nằm về phía bên nào của đường biên sẽ thuộc bên đó; trường hợp sông, suối biên giới đổi dòng, đường biên giới vẫn giữ nguyên không thay đổi theo dòng chảy mới nếu hai bên không có thỏa thuận nào khác.
Ngày 24-1-1986, hai bên ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam – Lào, để điều chỉnh một số chỗ khác với đường biên giới đã hoạch định, chỉnh sửa một số nguyên tắc hoạch định biên giới theo sông, suối cho phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
2. Tiến trình phân giới, cắm mốc trên thực địa và ký kết Nghị định thư phân giới, cắm mốc
Thực hiện Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1977, ngày 24-8-1984 đánh dấu việc hoàn thành giai đoạn 1 của tiến trình phân giới, cắm mốc đường biên giới Việt Nam - Lào theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước ký năm 1977. Trong giai đoạn này, hai bên đã phân giới được 1.877 km trong tổng số 2.067 km đường biên giới và cắm được tổng số 202 mốc quốc giới tại 199 vị trí trên toàn tuyến biên giới.
Giai đoạn 1:
Từ ngày 23-5 đến 3-7-1978, ủy ban liên hợp về phân giới trên thực địa và cắm mốc quốc giới Việt Nam - Lào họp khóa đầu tiên tại Viêng Chăn, sau đó triển khai làm thí điểm đoạn biên giới giữa tỉnh Bình Trị Thiên và Xavẳnnakhệt, mở đầu bằng đoạn 24 km biên giới ở phía nam và phía bắc cầu Xà Ót trên đường 9 (Lao Bảo), sau đó tiếp tục làm đoạn 192 km biên giới còn lại trong thời gian từ ngày 25-7-1978 đến 31-3-1979. Từ 1979 đến 1981, ủy ban liên hợp triển khai 3 đợt công tác liên tục để hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc đường biên giới Việt Nam - Lào.
Đợt 1, từ ngày 4-7-1979 đến 31-1-1980, phân giới, cắm mốc các đoạn biên giới phía nam giữa 3 tỉnh Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng và Gia Lai - Kon Tum với 2 tỉnh Xalavăn và Áttapư của Lào, tổng chiều dài 337 km.
Đợt 2, từ ngày 7-5-1980 đến 3-1-1981, phân giới, cắm mốc các đoạn biên giới giữa 2 tỉnh Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên với 2 tỉnh Xiêng Khoảng và Khăm Muộn, tổng chiều dài 620 km.
Đợt 3, từ ngày 25-1-1981 đến 27-6-1981, phân giới, cắm mốc các đoạn biên giới phía Bắc giữa 4 tỉnh Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh với 3 tỉnh Phôngxalỳ, Luổng Phạbang và Hủa Phăn, tổng chiều dài 875 km.
Tính đến tháng 6-1981, hai bên đã hoàn thành 95% công việc phân giới, cắm mốc trên thực địa. Về 5% công việc còn lại, do trong quá trình phân giới và cắm mốc hai bên đã phát hiện một số sai sót do văn bản hiệp ước hay thực trạng của đường biên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của cả hai bên nên cần phải có sự thỏa thuận ở cấp cao (bao gồm: khu vực 2 bản Na Cay, Na Hói; khu vực Chiềng Khương; khu vực Ten Luông; khu vực Pu Ta Mê; khu vực Văng Áng Ngước, Piêng Tần; khu vực 3 bản Na Luồng, Na Ún, Na Son và khu vực bản Đục; khu vực Na Hàm...). Qua hai lần trao đổi, thỏa thuận hai bên thống nhất giải quyết xong hoàn toàn các khu vực còn tồn tại trên biên giới Việt Nam - Lào. Ngày 24-8-1984, cắm xong mốc G-12 ở khu vực Na Hàm, kết thúc công tác phân giới, cắm mốc đường biên giới Việt Nam - Lào theo Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1977.
Ngày 24-1-1986, Nghị định thư về việc phân giới và cắm mốc toàn bộ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào được ký kết tại Viêng Chăn, trong đó miêu tả đầy đủ đường biên giới đã được phân giới trên thực địa giữa hai nước, các mốc quốc giới đã được cắm, các khu vực đã được chuyển giao giữa hai bên theo đúng trình tự thủ tục và nguyên tắc của pháp luật và thực tiễn quốc tế, kèm theo các văn bản, bản đồ, sơ đồ pháp lý khác.
Nghị định thư gồm có các điều khoản với những nội dung chủ yếu là:
Điều I: xác định đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào gồm 14 đoạn thể hiện bằng ký tự chữ cái theo thứ tự từ A đến U, được miêu tả và thể hiện trong 14 biên bản phân giới, cắm mốc trên thực địa và 173 mảnh sơ đồ tỷ lệ 1/25.000 đính kèm theo biên bản.
Điều II: đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào được đánh dấu bằng một hệ thống mốc quốc giới theo đúng quy cách và cách làm mà hai bên đã thỏa thuận.
Điều III: hai bên xác nhận việc chuyển giao các khu vực đất đai từ Việt Nam cho phía Lào và từ Lào cho phía Việt Nam.
Điều IV xác định những đoạn biên giới mà các đội phân giới, cắm mốc liên hợp chưa đến thực địa do có những khó khăn khách quan chưa thể khắc phục (tổng số có 18 đoạn) và hai đoạn biên giới ở vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc và Việt Nam - Lào - Campuchia.
Giai đoạn 2: thực hiện Hiệp ước bổ sung hoạch định biên giới ký ngày 24-1-1986.
Từ ngày 25-12-1986 đến 6-4- 1987, hai bên phối hợp thực hiện các công việc: (1) Vẽ lại 21 sơ đồ tỷ lệ 1/25.000 mà trước đây vẽ ký hiệu đường biên giới đi theo một bên bờ của sông, suối biên giới nay được sửa đổi theo Điều VII của Hiệp ước bổ sung hoạch định biên giới năm 1986; (2) Tại vị trí mốc ở ngã ba sông, suối (các mốc B-13, K-l, K-2, L-5, R-2, R-7): Cắm thêm mỗi nơi 2 mốc mới ở hai bên bờ đối diện với mốc cũ hình thành nhóm ba mốc, thống nhất với mốc cũ về quy cách và nội dung trên mặt mốc (trừ năm xây mốc, xây năm nào lấy năm ấy). Riêng mốc R-2 là mốc gỗ sẽ được thay thế bằng mốc bê tông cốt thép theo quy cách áp dụng cho toàn tuyến và thay lại dòng chữ “Quốc giới giữa Việt Nam và Lào” bằng chữ “Việt Nam” nếu ở phía Việt Nam và chữ “Lào” nếu ở phía Lào, năm xây mốc vẫn lấy năm cũ; (3) Vị trí mốc ở ngã ba khe suối nhỏ (các mốc K-4, K-5): không cắm thêm theo nhóm mốc, chỉ sửa lại số đo trên sườn mốc cho đúng với cự ly đường biên giới qua điểm hợp lưu ở ngã ba khe và suối; (4) Vị trí mốc trên đường biên giới ở điểm chuyển hướng từ sông núi xuống sông, suối (các mốc B-7, B-8, B-12, L-3, R-8, S-4): giữ nguyên không thay đổi; (5) Đối với các đoạn biên giới đi một bên bờ nay chuyển xuống giữa dòng sông, suối biên giới chỉ cần để mốc ở đầu vào và mốc ở đầu ra. Số thứ tự của hai mốc đó giữ nguyên như cũ. Sẽ phá hủy các mốc ở giữa hai mốc đó (L-4, R-3, R-4, R-5, R-6), cùng với việc xóa vị trí của nó trên sơ đồ liên quan.
Kết thúc giai đoạn 2, hai bên đã hoàn thành việc sửa đổi toàn bộ 196 km đường biên giới đi một bên bờ sông, suối thành đường biên giới đi ở giữa dòng trên cả thực địa và bản đồ; cắm mới 6 cụm mốc ba, 2 cụm mốc đôi và xây lại 1 mốc đơn, đồng thời đã phá bỏ 5 mốc không cần thiết trên sông, suối biên giới.
Ngày 16-10-1987, tại Viêng Chăn, hai bên ký Nghị định thư bổ sung ghi nhận kết quả công tác phân giới, cắm mốc theo Hiệp ước bổ sung hoạch định biên giới ký ngày 24-1-1986, kèm theo các văn bản pháp lý, kết thúc quá trình phân giới và cắm mốc toàn bộ đường biên giới quốc gia giữa Việt Nam và Lào.
Sau gần 10 năm, toàn bộ đường biên giới Việt Nam - Lào đã được phân vạch rõ ràng và được đánh dấu bằng hệ thống 214 cột mốc quốc giới tại 199 vị trí mốc trên thực địa.
3. Ký kết Hiệp định về quy chế biên giới và Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định về quy chế biên giới
Sau khi ký Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1977, từ ngày 23-5 đến 3-7-1978, hai bên ký biên bản quy định đầu tiên về quy chế biên giới giữa hai nước ngày 3-7-1978, gồm 14 điều.
Năm 1990, hai bên ký kết Hiệp định về quy chế biên giới quốc gia Việt Nam – Lào, đây là một văn bản pháp lý quốc tế chứa đựng đầy đủ các quy phạm pháp luật cũng như các thủ tục cần thiết bảo đảm cho việc điều chỉnh và xử lý các mối quan hệ phát sinh trong các hoạt động của hai nước ở khu vực biên giới.
Ngày 31-8-1997, hai nước phê duyệt Nghị định thư sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Hiệp định về quy chế biên giới năm 1990 có hiệu lực từ ngày 2-7-1998 để giải quyết một số vấn đề nảy sinh như: Do nhân dân và chính quyền địa phương hai bên ở một số nơi chưa nắm chắc đường biên giới, cột mốc quốc giới và chưa hiểu rõ ý nghĩa các quy định của quy chế nên có một số việc làm tùy tiện; do đời sống khó khăn, một số người dân của Việt Nam tự tiện di cư, vượt biên trái phép sang đất Lào khai thác tài nguyên thiên nhiên; một số người dân Lào, đa số là gốc Việt Nam đã được chuyển giao cho phía Lào trong quá trình phân giới, cắm mốc, nay tự tiện trở về Việt Nam sinh sống, canh tác; do điều kiện thực tế hai bên chưa giải quyết dứt điểm tình hình xâm canh, xâm cư, một số nơi còn mượn đường đi qua, xây dựng công trình khai thác tài nguyên ở sát đường biên giới. Các nội dung bổ sung này nhằm tạo điều kiện quản lý đường biên giới và mốc quốc giới tốt hơn; tạo điều kiện cho sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào phát triển, quản lý biên giới và bảo vệ an ninh biên giới được chặt chẽ, phù hợp tình hình kinh tế - xã hội của hai nước; tạo cơ sở pháp lý để giải quyết dứt điểm vấn đề xâm cư, xâm canh và phối hợp giải quyết tốt hơn các phát sinh trong quan hệ về biên giới Việt Nam - Lào trong tình hình mới.
4. Thành lập bản đồ biên giới quốc gia Việt Nam - Lào và giải quyết các tồn đọng sau phân giới, cắm mốc
Trong giai đoạn 1978-1987, hai bên phối hợp giải quyết những tồn đọng sau phân giới, cắm mốc, cụ thể là: (i) Thành lập bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam - Lào để thuận tiện cho quản lý, bảo vệ biên giới giữa hai nước; (ii) Khi có điều kiện, tiến hành xác định trên thực địa những đoạn biên giới mà các đội phân giới và cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào trước đây chưa đến được; (iii) Khi có điều kiện sẽ phối hợp với phía Trung Quốc, Campuchia cắm mốc tại 2 ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, Việt Nam - Lào - Campuchia và cắm thêm các mốc để làm rõ đường biên giới và thuận tiện cho việc quản lý biên giới.
Từ tháng 2-2002, xác định được điểm giao nhau của ba đường biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Trung Quốc và Lào - Trung Quốc tại đỉnh Khoan La San. Đến tháng 6-2005, ba bên đã hoàn thành việc xây dựng cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, và đến ngày 10-10-2006 đã cùng nhau ký kết Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Ngày 16-11-2007 Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới về điều chỉnh sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia giữa hai nước cho phù hợp với vị trí giao điểm ba đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc.
Từ tháng 4-2004, Việt Nam Campuchia và Lào giải quyết vị trí điểm giao ba đường biên giới Yiệt Nam - Lào - Campuchia. Tháng 2-2008, ba bên đã hoàn thành việc xây dựng cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Carapuchia, ngày 26-8-2008 ký kết Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa ba nước.
IV. CÔNG TÁC TĂNG DÀY, TÔN TẠO HỆ THỐNG MỐC QUỐC GIỚI VIỆT NAM - LÀO
Trong giai đoạn từ năm 1978 đến năm 1987, Việt Nam và Lào hoàn thành phân giới toàn bộ đường biên giới và xây dựng được 214 mốc quốc giới tại 199 vị trí mốc ở trên thực địa.
Tháng 10/2003, hai bên đã thống nhất những nội dung chính để xây dựng Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào với yêu cầu: một là, tăng dày hệ thống mốc quốc giới ở những vị trí cần thiết để làm rõ đường biên giới; hai là, tôn tạo các mốc hiện có và mốc tại cửa khẩu biên giới để bảo đảm kiên cố, vững chắc và khang trang; ba là, hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam - Lào (lập lại bộ hồ sơ cắm mốc và Nghị định thư phân giới, cắm mốc phù hợp với số liệu kỹ thuật đo đạc thực địa và trên bản đồ biên giới Việt Nam - Lào tỷ lệ 1/50.000 mới đo vẽ).
Việc hoàn thành thắng lợi công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là nguyện vọng chung và lợi ích lớn của nhân dân hai nước, có ý nghĩa hết sức thiết thực và to lớn về mọi mặt.
Thứ nhất, thể hiện rõ quyết tâm của hai Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Lào vì một đường biên giới chung giữa hai nước hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển.
Thứ hai, chất lượng đường biên giới Việt Nam - Lào được nâng lên, đường biên giới được thể hiện rõ ràng trên thực địa bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy, hiện đại, bảo đảm tính trường tồn và thống nhất trên toàn tuyến; tạo cơ sở quản lý biên giới một cách hiệu quả, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh xâm cư do thiếu nhận biết về vị trí đường biên giới; tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.
Thứ ba, hai bên cùng nhau ký kết 2 văn kiện pháp lý là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào” và “Hiệp định về quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào”, hai văn kiện này cùng với Hiệp ước hoạch định biên giới Việt Nam - Lào năm 1977 trở thành bộ hồ sơ hoàn chỉnh nhất về đường biên giới hai nước. Đường biên giới Việt Nam - Lào đã được xác định rõ ràng, chính xác và thuận tiện cho công tác quản lý; đồng thời là cơ sở để xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, tạo thuận lợi cho công tác quản lý đường biên, mốc giới và hợp tác phát triển quan hệ biên giới tốt đẹp giữa hai nước.
Thứ tư, việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là thành quả chung của nhân dân hai nước, là minh chứng thuyết phục cho việc hai bên đã giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ trên cơ sở thương lượng bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác cùng phát triển, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
V. XÂY DỰNG ĐƯỜNG BIÊN GIỚI VIỆT NAM - LÀO THÀNH ĐƯỜNG BIÊN GIỚI HỮU NGHỊ, HỢP TÁC, PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN, BỀN VỮNG LÂU DÀI, XỨNG ĐÁNG VỚI MỐI QUAN HỆ ĐẶC BIỆT
Công tác xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào là sự thể hiện mẫu mực của sự hợp tác, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau và áp dụng một cách sáng tạo các nguyên tắc của luật pháp và thực tiễn quốc tế trên cơ sở tình hữu nghị đặc biệt. Việc hoàn tất toàn bộ công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới trên thực địa và ký chính thức “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào” và “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào” ngày 16-3-2016 đã góp phần tạo môi trường ổn định và phát triển cho khu vực biên giới hai nước; góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh trong khu vực và là bài học quý cho việc giải quyết vấn đề biên giới với các nước láng giềng khác, mọi vấn đề trong phạm vi biên giới liên quan đến Việt Nam và Lào cần được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý, trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc pháp lý, góp phần tăng cường, củng cố tình đoàn kết hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước. Chú trọng đến việc xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng vùng biên giới hai nước. Xây dựng và bảo vệ tốt an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, tài nguyên ở khu vực biên giới Việt Nam – Lào ..góp phần xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào trở thành đường biên giới hữu nghị, hợp tác, phát triển toàn diện, bền vững lâu dài, xứng đáng với mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được vun đắp qua suốt chiều dài lịch sử hai dân tộc.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY LÂM ĐỒNG
[1] Đường biên giới Việt Nam - Lào dài chính thức 2.337,459 km theo Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào ngày 16-3-2016. Chiều dài 2.067 km là con số tạm tính theo bản đồ đính kèm Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam - Lào năm 1977.