Điều kiện tự nhiên

26.10.2022 08:51179 đã xem

TỌA ĐỘ ĐỊA LÝ :

- Phía Bắc và Đông Bắc giáp huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

- Phía Nam giáp huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai và phía Đông Nam giáp huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.

- Phía Tây giáp huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.

Do huyện nằm trong khu vực chuyển tiếp giữa vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ nên địa hình, đất đai, khí hậu, nguồn nước,… khá đa dạng để phát triển nhiều loại cây trồng ngắn và dài ngày như lúa nước, mía, bắp, hồ tiêu, điều, cà phê và cây ăn quả,... Tuy nhiên, so với một số huyện khác, vị trí địa lý của huyện cũng có những hạn chế sau:

- Do nằm xa các trục giao thông chính và các trung tâm kinh tế của tỉnh và vùng, nên việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội với bên ngoài ít thuận lợi.

- Huyện nằm trong vùng kinh tế mới và thuộc vùng sâu vùng xa, mặc dù đã được quan tâm đầu tư nhưng cho đến nay cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, đồng thời tình trạng di dân tự do ồ ạt vào huyện của một số năm trước đây đã và đang gây áp lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

KHÍ HẬU THỜI TIẾT:

Huyện Đạ Tẻh có 2 chế độ khí hậu đan xen nhau: Khí hậu cao nguyên Nam Trung Bộ và khí hậu Đông Nam Bộ, trong đó: vùng núi phía Bắc có khí hậu cao nguyên, nên nhiệt độ thấp và mát mẻ, lượng mưa lớn và phân bố tương đối đều giữa các tháng trong năm; vùng phía Nam chịu ảnh hưởng của khí hậu miền Đông Nam Bộ, nên chế độ nhiệt và số giờ nắng cao hơn, lượng mưa thấp và số ngày mưa ít hơn.

So với khí hậu của Bảo Lộc và khí hậu vùng Đông Nam Bộ, khí hậu của Đạ Tẻh có những đặc điểm nổi bật sau:

- Chế độ nhiệt và chế độ bức xạ mặt trời cao hơn khu vực Bảo Lộc và thấp hơn chút ít so với vùng Đông Nam Bộ, sẽ là điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và đặc biệt là chất lượng nông sản hàng hoá, nhưng cũng gây hạn chế cho việc phát triển các cây trồng có yêu cầu nhiệt độ thấp hơn.

- Lượng mưa bình quân năm, số ngày mưa trong năm và độ ẩm trung bình đều thấp hơn so với vùng Bảo Lộc nhưng cao hơn so với vùng Đông Nam Bộ, nên việc bố trí cơ cấu mùa vụ cho cây trồng sẽ bớt căng thẳng hơn so với vùng Đông Nam Bộ.

- So với vùng Đông Nam Bộ, Đạ Tẻh có những ngày mưa lớn và tập trung hơn, cùng với yếu tố địa hình, đã gây ra tình trạng ngập lũ ở các khu vực địa hình thấp, đặc biệt là các khu vực trũng ven sông.

ĐỊA HÌNH:

Huyện Đạ Tẻh nằm ở độ cao trung bình 250 m so với mặt biển, thuộc khu vực chuyển tiếp giữa vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nên địa hình khá phức tạp, có xu hướng thấp dần theo hướng từ Bắc vào Nam và từ 2 phía Đông, Tây vào thị trấn Đạ Tẻh, với 2 dạng địa hình chính là địa hình núi cao bị chia cắt mạnh và địa hình núi thấp xen kẽ với các thung lũng hẹp với các đặc trưng sau.

- Địa hình núi cao bị chia cắt mạnh: Diện tích 40.150 ha (chiếm gần 77% diện tích tự nhiên), cao độ biến động từ 200-625m, phân bố ở phía Bắc và Đông-Bắc huyện, thuộc khu vực thượng lưu các con sông suối, tập trung ở địa phận các xã Quảng Trị, Mỹ Đức, Quốc Oai và một phần phía Bắc các xã Đạ Lây, Hương Lâm, An Nhơn. Hiện trạng sử dụng đất khu vực này là đất rừng và đồi núi trọc. Do địa hình núi cao, độ dốc lớn, nên trước mắt cũng như lâu dài dạng địa hình này thích hợp cho phát triển rừng.

- Địa hình núi thấp xen kẽ với các thung lũng hẹp: Diện tích 12.193 ha (chiếm 23% diện tích tự nhiên), phân bố ở phía Nam và Tây Nam huyện, thuộc khu vực hạ lưu các con sông, tập trung ở thị trấn Đạ Tẻh, xã Hà Đông, Đạ Kho và một phần phía Nam các xã Đạ Lây, Hương Lâm và An Nhơn, địa hình khu vực này khá bằng phẳng, cao độ biến đổi từ 120-200m. Đây là địa bàn sản xuất nông nghiệp, phân bố các khu dân cư và các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của huyện.

THỔ NHƯỠNG:

Theo báo cáo khoa học “Kết quả điều tra, đánh giá đất đai huyện Đạ Tẻh - tỉnh Lâm Đồng” của trung tâm nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật đất phân, được tiến hành trong năm 2000 và dự án quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2001-2010, cho thấy toàn huyện huyện Đạ Tẻh có 4 nhóm đất chính với 17 đơn vị phân loại đất sau:

TT

Ký hiệu

TÊN ĐẤT

D. tích (Ha)

Tỉ lệ (%)

I

 

NHÓM ĐẤT PHÙ SA

3.546

6,77

1

Pb

Đất phù sa được bồi hàng năm

101

0,19

2

P

Đất phù sa chưa phân hoá phẫu diện

420

0,8

3

Pf

Đất phù sa loang lổ đỏ vàng

998

1,91

4

Pg

Đất phù sa gley

210

0,4

5

P/F

Đất phù sa phủ trên nền đỏ vàng

1033

1,97

6

Pg/F

Đất phù sa gley phủ trên nền đỏ vàng

308

0,59

7

Py

Đất phù sa suối

476

0,91

II

 

NHÓM ĐẤT XÁM

618

1,18

8

B

Đất bạc màu trên phù sa cổ

368

0,7

9

Ba

Đất bạc màu trên sản phẩm granite

106

0,2

10

Bd

Đất dốc tụ bạc màu

144

0,28

III

 

NHÓM ĐẤT ĐỎ VÀNG

45.995

87,87

11

Fk

Đất nâu đỏ trên đá ba zan

1241

2,37

12

Fu

Đất nâu vàng trên đá ba zan

6942

13,26

13

Fa

Đất vàng đỏ trên đá Granit

12

0,02

14

Fs

Đất đỏ vàng trên đá phiến sét

34876

66,63

15

Fp

Đất nâu vàng trên phù sa cổ

2179

4,16

16

FL

Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước

745

1,42

IV

 

NHÓM ĐẤT DỐC TỤ

278

0,53

17

D

Đất thung lũng do ảnh hưởng dốc tụ

278

0,53

V

 

ĐẤT KHÁC

1.906

3,64

18

 

Đất ở đô thị tập trung

86

0,16

19

 

Đất chuyên dùng

1228

2,35

20

 

Sông suối

592

1,13

   

TỔNG DIỆN TÍCH TỰ NHIÊN

52.419

100

1. Nhóm đất phù sa (P):

Diện tích 3.546 ha, chiếm 6,77% diện tích tự nhiên toàn huyện, với 7 đơn vị phân loại đất sau:

- Đất phù sa được bồi hàng năm (Pb): Diện tích 101 ha, chiếm 0,19% diện tích tự nhiên, phân bố ven sông Đồng Nai thuộc các xã Đạ Kho và Đạ Lây. Đây là loại đất non trẻ và tốt nhất nhất trong nhóm đất phù sa, được bồi đắp phù sa hàng năm, nhưng mức độ tuỳ thuộc vào mức độ lũ. Đất phù hợp với nhiều loại cây trồng như: ngô, rau đậu và các loại cây công nghiệp như: dâu, mía…

- Đất phù sa chưa phân hoá phẫu diện: Diện tích 420 ha, chiếm 0,8% diện tích tự nhiên. Loại đất này phân bố dọc theo các con sông phía bên trong đất phù sa được bồi, tập trung ở các xã Đạ Kho, thị trấn Đạ Tẻh và xã Hương Lâm. Đất này thích hợp với các loại cây như: ngô, rau, đậu, đỗ, mía, dâu…

- Đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng: Diện tích 998 ha, chiếm 1,9% DTTN, phân bố tập trung ở thị trấn Đạ Tẻh và xã An Nhơn, trên địa hình thấp bằng. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, thích hợp cho trồng lúa nước hoặc lúa - màu.

- Đất phù sa Gley: Diện tích 210 ha, chiếm 0,8% diện tích tự nhiên, phân bố ở thị trấn Đạ Tẻh (phía Nam ĐT 721), trên địa hình trũng, thời gian ngập nước dài, nên đất có phản ứng chua do quá trình gley hoá, chỉ thích hợp cho trồng lúa nước, nhưng trong quá trình sử dụng cần chú ý các biện pháp tiêu nước, thau chua thì mới cho năng suất cao.

- Đất phù sa phủ trên nền đỏ vàng: Diện tích 1.033 ha, chiếm 1,98% diện tích tự nhiên, phân bố ở các xã dọc sông Đồng Nai và các suối lớn, tập trung ở các xã Đạ Kho, Đạ Lây và thị trấn Đạ Tẻh. Đất thích hợp với các cây trồng như ngô, đậu, mía, hoặc luân canh lúa - màu.

- Đất phù sa gley phủ trên nền đỏ vàng: Diện tích 308 ha, chiếm 0,59% diện tích tự nhiên, phân bố tập trung ở thị trấn Đạ Tẻh (phía bắc ĐT 721). Loại đất này thường được sử dụng để trồng lúa nước.

- Đất phù sa suối: Diện tích 477 ha, chiếm 0,91% diện tích tự nhiên, phân bố ven bờ các suối lớn như: Đạ Nhar, Đạ Tẻh, Đạ Lây thuộc các xã Triệu Hải, Quảng Trị, Đạ Lây và Hương Lâm. Đất phù sa suối có độ phì nhiêu cao, thích hợp với nhiều loại cây trồng như: ngô, rau, đậu đỗ, mía, dâu…

2. Nhóm đất xám bạc màu (Xb):

Diện tích là 618 ha, chiếm 1,18% diện tích tự nhiên toàn huyện. Với thành phần cơ giới nhẹ, lại phân bố trên địa hình hơi dốc, bị rửa trôi mạnh nên bạc màu, nghèo dinh dưỡng, quá trình sử dụng cần chú ý các biện pháp chống rửa trôi và tăng cường bồi dưỡng nâng cao độ phì của đất. Nhóm đất này có 3 đơn vị phân loại đất sau:

- Đất bạc màu trên phù sa cổ: Diện tích 367 ha, phân bố ở các xã Đạ Lây, Quảng Trị và Đạ Kho.

- Đất bạc màu trên đá granite: Diện tích 106 ha, phân bố ở xã Triệu Hải.

- Đất dốc tụ bạc màu: Diện tích 145ha, phân bố ở xã Đạ Kho, Hương Lâm.

3. Nhóm đất đỏ vàng:

Diện tích 45.989ha, chiếm phần lớn diện tích trên địa bàn huyện với gần 88% diện tích tự nhiên, chia làm 6 đơn vị phân loại đất chính sau:

- Đất nâu đỏ và nâu vàng trên đá Bazan: Diện tích 8.183 ha (chiếm 15,63% diện tích tự nhiên), phân bố chủ yếu ở độ cao trên 500 m thuộc các xã Triệu Hải, Mỹ Đức, Quảng Trị, Quốc Oai, An Nhơn, Hương Lâm và Đạ Lây. Đây là các loại đất có độ phì cao và tốt nhất trong các loại đất đồi núi ở nước ta, rất thích hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như: chè, tiêu, điều, cà phê, dâu tằm… Hiện tại phần lớn diện tích này nằm trong khu vực phân định cho lâm nghiệp. Vì vậy, hướng sử dụng đất trong tương lai là những vùng có điều kiện nên chuyển đổi sang sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng đất, tuy nhiên cần có phương pháp canh tác thích hợp để tránh suy thoái môi trường.

- Đất đỏ vàng trên đá phiến sét: Diện tích 34.871ha (chiếm 66% diện tích tự nhiên), phân bố ở tất cả các xã trong huyện, nhưng tập trung chủ yếu ở phần địa hình cao, dốc. Loại đất này có màu vàng đỏ đặc trưng, thành phần cơ giới trung bình, tầng đất mịn dày trên 50 cm, lẫn nhiều đá, ở những nơi có độ dốc thấp, gần khu dân cư đã được khai phá để trồng điều, nhưng nhiều nơi đã bị bỏ hoang vì tầng đất mặt bị xói mòn rửa trôi, vùng đồi núi cao vẫn còn rừng thứ sinh khá tốt nên cần được bảo vệ.

- Đất nâu vàng trên phù sa cổ: Diện tích 2.179 ha (chiếm 4,16% diện tích tự nhiên), phân bố ở 8 xã trong huyện (trừ 2 xã là An Nhơn và Đạ Kho). Đây là loại đất có nguồn gốc hình thành từ phù sa cổ của các sông suối trước đây. Đất có màu nâu vàng chủ đạo, cấu tượng viên, cục nhỏ, khá chặt, tầng đất dày trên 100 cm, có nơi có kết von sắt, nhôm khoảng 15 – 25% ở sâu dưới 70cm, thành phần cơ giới nhìn chung là thịt nhẹ đến trung bình ở lớp mặt, thịt nặng ở các tầng dưới và là một trong những loại đất đất nông nghiệp quan trọng của huyện, do phân bố trên địa hình khá bằng, không bị ngập nước, hiện đang trồng các loại cây như: điều, mía, cà phê, tiêu và cây ăn quả các loại.

- Đất đỏ vàng biến đổi do trồng lúa nước: Diện tích 745ha (chiếm 1,42% diện tích tự nhiên), phân bố ở thị trấn Đạ Tẻh và các xã: Mỹ Đức, Triệu Hải, Hà Đông, Quốc Oai. Đất có nguồn gốc là đất nâu vàng trên phù sa cổ nhưng do tác động của quá trình canh tác lúa nước liên tục đã làm thay đổi về cấu trúc, độ chặt ở tầng mặt, hình thành gley ở các tầng dưới. Loại đất này thích hợp trồng lúa nước và trồng màu.

4. Nhóm đất dốc tụ:

Diện tích 278 ha (chiếm 0,53% diện tích tự nhiên), phân bố rải rác ở các xã Đạ Kho, Hương Lâm, Quốc Oai, Triệu Hải, Mỹ Đức và thị trấn Đạ Tẻh, được hình thành trong các thung lũng hoặc hợp thuỷ đồi núi do quá trình rửa trôi đất và các sản phẩm khác từ trên núi, nên thường ngập nước nhiều tháng trong năm, phù hợp với trồng lúa nước.

Nhận xét: Đất đai của huyện đa dạng về chủng loại, thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhưng hầu hết đều có những yếu tố hạn chế cần được quan tâm, chú ý trong quá trình sử dụng:

- Đất bị ảnh hưởng ngập lũ bao gồm nhóm đất phù sa và nhóm đất xám có diện tích 4.164 ha, chiếm 7,95% diện tích tự nhiên.

- Đất phân bố trên địa hình dốc dễ bị rửa trôi, xói mòn gồm nhóm đất đỏ vàng và nhóm đất dốc tụ có diện tích 46.273 ha, chiếm 88,4% diện tích tự nhiên.

TÀI NGUYÊN NƯỚC:

1. Tài nguyên nước mặt:

Nguồn nước mặt trên địa bàn huyện khá phong phú bao gồm nước mưa, nước sông suối và hệ thống các hồ thuỷ lợi.

- Hệ thống sông suối khá dày đặc, đáng chú ý là sông Đồng Nai (đoạn chảy qua huyện dài khoảng 23 km) và các nhánh sông, suối chính như: suối Đạ Nhar (42km), Đạ Miss (30km), Đạ Lây (40km) và Đạ Kho (11km) với tổng lưu vực 1.744km2, ngoài ra còn có một số suối ngắn và nhỏ khác.

Sông, suối

L (Km)

Flv (km2)

Độ dốc Đáy sông (‰)

Qo(m3/s)

Wo (106m3)

1. Đạ Tẻh

42,5

529

16,8

19,84

625,67

2. Đạ Miss

30,5

110

51,0

4,13

130,24

3. Đạ Lây

40

180

5,3

6,75

212,86

Nguồn: Dự án quy hoạch thuỷ lợi và nước sạch nông thôn Đạ Tẻh - Đạ Huoai.

- Hệ thống thuỷ lợi: ngoài nguồn nước từ các sông suối thì trên địa bàn còn có 2 hồ chứa lớn là hồ Đạ Hàm, hồ Đạ Tẻh với năng lực tưới thiết kế trên 2.700 ha đất nông nghiệp.

Nhận xét:

- Nhìn chung, chất lượng nước mặt của các suối thuộc loại nước HCO3-CL-Na hoặc CLHCO3-Na, đạt tiêu chuẩn sinh hoạt.

- Về mùa khô các sông suối có lưu lượng khá dồi dào do độ che phủ của thảm thực vật trên lưu vực còn khá cao. Trên các suối có rất nhiều vị trí có thể đắp hồ chứa, đập dâng, trạm bơm để cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tuy nhiên, do địa hình phức tạp, vùng tưới hạn chế, chi phí tưới cao.

- Về mùa mưa, do mưa lớn và tập trung, lòng các sông suối dốc nên nước mưa tập trung về nhanh, trong khi khả năng tiêu thoát của sông Đồng Nai hạn chế nên đã gây tình trạng ngập lũ trên diện rộng ở khu vực địa hình thấp ven sông thuộc thị trấn Đạ Tẻh và các xã Đạ Lây, Hương Lâm, An Nhơn, Đạ Kho, làm mất trắng hoặc giảm năng suất của hầu hết cây trồng

2. Tài nguyên nước ngầm:

Theo kết quả điều tra của chương trình Tây Nguyên II (48C-II) và chương trình KC-12 (năm 1993) của Liên đoàn Địa chất - Thuỷ văn thực hiện sơ bộ đánh giá tài nguyên nước cho thấy như sau:

- Nước ngầm trên địa bàn huyện thuộc 2 phức hệ chính:

+ Phức hệ chứa nước lỗ hổng các trầm tích nhiều nguồn gốc Haloxen, thành phần phức hệ gồm: cuội, sạn, bột kết và than bùn, chiều dày tầng nước từ 1-25 m, lưu lượng mạt lộ nước từ 0,01-6,89 l/s.

+ Phức hệ chứa nước khe nứt các trầm tích lục nguyên, phun trào Jura muộn và Kreta muộn, thành phần phức hợp gồm: Đá Đaxit, Riolit tầng trên, đá cát và bột kết tầng dưới. Bề mặt phong hoá là sét pha cát dày 0,5-5 m, chiều dày cả phức hệ khoảng 450 m, lưu lượng các mạt lộ nước 0,06-0,64 l/s.

Về chất lượng các nguồn nước, theo kết quả điều tra của Dự án Quy hoạch thuỷ lợi và nước sinh hoạt nông thôn vùng Đạ Huoai - Đạ Tẻh do Xí nghiệp tư vấn thiết kế xây dựng thuỷ lợi 3 thực hiện tháng 11/2000 cho thấy:

- Nước ngầm tầng mặt (giếng đào): Nước ngầm tầng mặt và nước sát mặt (ngầm bán áp, độ sâu 50mg CaCO3/lit), mực nước thay đổi theo vùng và theo mùa: Khu vực trung tâm huyện Đạ Tẻh do được điều tiết bởi hồ Đạ Tẻh nên có mực nước ngầm tương đối nông độ, sâu có nước của các giếng đào từ 2-6m, vùng đồi núi có mực nước ngầm từ 15-20m. Vào mùa mưa, mực nước cách mặt đất từ 1-2m, nhưng về mùa khô mực nước hạ xuống cách mặt đất 5-6m ở những khu vực bào mòn tích tụ và 7-12m ở những khu vực tích tụ xâm thực.

- Nước ngầm tầng sâu (giếng khoan với độ sâu >20m): Ở độ sâu >20m, nước ngầm có độ cứng và độ kiềm khá cao (độ cứng toàn phần 1.950 mg CaCO3/lit, độ kiềm toàn phần 1.325 mg CaCO3/lit, môi trường axít 0,8 mg oxy/lit). Như vậy, nếu khai thác nước ngầm cung cấp nước sạch cho các khu dân cư tập trung như thị trấn và các khu công nghiệp thì đòi hỏi phải có các biện pháp kỹ thuật để xử lý.

TÀI NGUYÊN RỪNG:

1. Thực vật rừng:

Tài nguyên rừng ở Đạ Tẻh khá phong phú về chủng loại (rừng lá rộng thường xanh, tre nứa, lá rộng – tre nứa …) và tập đoàn cây rừng, trữ lượng trung bình trên 1 ha khá cao. Kết quả thống kê hiện trạng sử dụng đất năm 2007, toàn huyện còn 39.026,48 ha rừng, chiếm 74,45% diện tích đất tự nhiên. Trong đó diện tích rừng sản xuất 29.797,83 ha, rừng phòng hộ 9.228,65 ha.

Hiện tại tỷ lệ che phủ rừng đạt khá cao 74,45%, nếu tính cả diện tích cây lâu năm quy đổi với hệ số 0,7 lần thì tỷ lệ che phủ của huyện đạt 81,51%.

Về trữ lượng rừng, theo kết quả kiểm kê rừng năm 1999, diện tích rừng gỗ có trữ lượng bình quân 1 ha khá cao đạt 184 m3, trong đó rừng tự nhiên có trữ lượng bình quân trên 188 m3/ha. Rừng tre nứa có trữ lượng bình quân là 5,7 nghìn cây/ha. Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa có trữ lượng bình quân là 65 m3 gỗ và 3 nghìn cây tre nứa/ha. Cây rừng chủ yếu là các loại cây có giá trị kinh tế thuộc họ dầu như Dầu rái, Sao đen, Vên vên…; họ cánh bướm gồm Cẩm lai, Trắc…; Họ vang như Gõ đỏ, Gõ mật… và các loại rừng thứ sinh tre nứa và hỗn giao gỗ - tre nứa, có trữ lượng tương đối khá có khả năng khai thác để phát triển các ngành mộc, mây tre đan, đũa xuất khẩu, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ.

2. Động vật rừng:

Do nằm tiếp giáp với phần rừng Cát Lộc (thuộc khu bảo tồn đa dạng sinh học rừng Cát Tiên) nên rừng Đạ Tẻh có nhiều động vật hoang dã sinh sống như Sơn dương, Khỉ, Cheo, Heo rừng…Tuy nhiên, gần đây do việc săn bắt bừa bãi nên phần nào đã ảnh hưởng đến sự đa dạng về chủng loại cũng như giảm số lượng động vật hoang dã trên địa bàn huyện.

TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN:

Tài nguyên khoáng sản ở Đạ Tẻh có sét làm gạch ngói với trữ lượng trung bình, phân bố ở xã Đạ Kho và Đạ Lây; cát, sỏi xây dựng trên các con sông, trữ lượng khai thác hàng năm khoảng 12.000m3.

TÀI NGUYÊN DU LỊCH:

Trên địa bàn huyện hiện có một số cảnh quan đẹp và độc đáo như: thác Đạ K’La, hồ Đạ Tẻh, hồ Đạ Hàm và đặc biệt hầu hết đất lâm nghiệp của huyện nằm trong vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên với tính đa dạng sinh học hiện có và định hướng phát triển theo chiều hướng bảo tồn sẽ là những điều kiện thuận lợi để huyện phát triển các mô hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch nghiên cứu khoa học, khảo cổ ở huyện Cát Tiên.

Tin tức khác